Vào lễ cúng ông Công ông Táo thay vì mua cá chép sẽ có nhiều người mua cá lóc nướng. Vì sao lại có nhiều người mua cá lóc nướng để cúng vào ngày 23 tháng Chạp? Thắc mắc này của bạn sẽ được Vạn Sự giải đáp cụ thể thông qua bài viết dưới đây.
Nguồn gốc của cá lóc nướng trong ngày cúng Táo Quân
Từ xưa đến này, cứ vào 23 tháng Chạp là mọi gia đình Việt sẽ làm mâm cỗ cúng ông Công ông Táo về trời. Người ta tin rằng ông Táo sẽ cưỡi cá chép để về trời và trình báo với Ngọc Hoàng Thượng đế những điều mà gia đình đã và chưa làm được trong năm qua. Và sau đó, đêm 30 tháng Chạp ông Táo sẽ bay về trần gian để tiếp tục trông coi bếp lửa của gia đình.
Xuất phát từ tín ngưỡng trên mà vào lễ Táo Quân, mọi gia đình đều chuẩn bị lễ vật thật chu đáo, cẩn thận để cúng kiếng. Tuy nhiên, mỗi vùng miền, địa phương sẽ có phong tục lễ cúng rất khác nhau.
Lễ cúng ông Công ông Táo của người miền Bắc không thể nào thiếu cá chép, phương tiện để ông Táo về trời. Còn ở miền Nam, ngoài những lễ vật quen thuộc như trứng, thịt, tôm thì cá lóc là vật phẩm không thể thiếu. Người dân miền Nam quan niệm rằng, cúng loại cá này sẽ mang đến nhiều tài lộc, may mắn cho gia chủ cho năm mới.
Đặc biệt, người dân Nam Bộ chỉ thực hiện lễ cúng Táo Quân vào ban đêm, sau bữa ăn tối của gia đình. Họ quan niệm rằng, đây là thời điểm mà công việc bếp núc đã hoàn tất. Gia chủ không còn phải “làm phiền” các ông Táo nên mới có thể tiễn 3 vị Thần này lên chầu trời.
Ý nghĩa cá lóc nướng trong lễ cúng Táo Quân
Như đã nói ở trên, xuất phát từ việc người xưa cúng cá lóc đã được nướng chín vào ngày ông Công ông Táo sẽ mang đến nhiều may mắn và tài lộc. Và cứ thế họ truyền tai nhau, dần dần tục cúng cá lóc vào 23 tháng Chạp trở nên phổ biến.
Mang đến nhiều may mắn và tài lộc
Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến trái chiều về việc cúng cá lóc nướng vào ngày này. cụ thể là chuyên gia phong thủy Mai Văn Sinh cho rằng, việc người dân đổ xô mua cá lóc nướng vào ngày cúng ông Táo ông Công là xuất phát từ thói quen, sự mê tín. Dẫu vậy, việc cúng cá lóc sau khi nướng chín vào ngày này vẫn phổ biến ở rất nhiều gia đình, đặc biệt là miền Nam.
Cầu mong ấm no, đầy đủ và sung túc
Người dân Việt luôn ngưỡng mộ lòng thủy chung của ông Táo và thờ cúng ông với hy vọng Táo Quân sẽ giúp họ “giữ lửa” cho gia đình luôn đầm ấm và hạnh phúc.
Táo Quân được biết đến là vị thần cai quản mọi hoạt động của gia đình. Là người quyết định sự may rủi của cả gia đình. Cũng như ngăn chặn sự xâm nhập của ma quỷ từ bên ngoài, giữ bình yên cho gia đạo. Chính vì vậy, ngoài các lễ vật bắt buộc trong mâm cúng thì khi cúng Táo Quân với cá lóc là bày tỏ lòng mong muốn sự đầy đủ, ấm no và sung túc trong năm mới.
Lưu ý khi cúng cá lóc vào ngày tiễn ông Táo
Cá lóc dùng để cúng tiễn ông Táo phải để nguyên con, không được cạo vảy, cắt đuôi, vi cá mà cứ như vậy đi nướng trui. Việc để các lóc nguyên trạng như trên là để tưởng nhớ đến ông cha ta đã từng rất khó khăn, thiếu thốn trong thời đầu khai hoang.
Dưới đây là cách nướng trui cá vô cùng đơn giản mà ai cũng có thể tực thực hiện tại nhà.
- Chuẩn bị cá, rửa sạch nhưng không mổ bụng, cạo vảy, cạo nhớ. Đặc biệt không tẩm ướp bất kỳ loại gia vị nào trước khi nướng cá.
- Sử dụng một que dài hoặc một cây mía xiên thẳng từ phần miệng cho đến phần đuôi. Nên vót đầu que thật nhọn để việc xiên que được thực hiện dễ dàng hơn. Xiên que cần phải được thực hiện cẩn thận, hạn chế việc cầm, nắm quá chặt làm nát cá.
- Cho cá vào đống rơm thật lớn, đốt lửa nướng cá đến khi cháy hết thì thôi. Vì lửa rơm cháy rất nhanh tàn nên bạn cần phải chuẩn bị thật nhiều rơm để đốt đến khi các chín thì thôi.
Rất hy vọng với những chia sẻ của Vạn Sự đã giúp các bạn giải đáp được thắc mắc liên quan đến tục mua cá lóc nướng vào ngày cúng ông Táo. Đừng quên theo dõi chúng tôi để tham khảo thêm nhiều bài viết bổ ích liên quan đến lễ cúng ông Công ông Táo.