Cúng rằm tháng 7 với những món chay đa dạng và đẹp mắt nhưng vô cùng dễ làm sẽ khiến cho mâm cúng và bữa cơm gia đình của các chị em ngày rằm không bị nhàm chán. Dưới đây là gợi ý các món chay ngon để các chị em đỡ phải vắt óc suy nghĩ phải nấu gì sắp tới.
Tại sao các chị em nên cúng đồ chay?
Vào các ngày lễ lớn trong năm, đặc biệt là ngày rằm tháng 7, người ta chọn dâng lên cúng những món chay bởi theo quan niệm từ xưa về hiếu đạo – tháng 7 còn là tháng của lễ Vu Lan ghi nhớ ơn sinh thành của cha mẹ và bày tỏ lòng kính trọng với họ.
Cúng đồ chay không những thể hiện tấm lòng thành kính với tổ tiên, cầu mong sự bình an, tránh sát sinh mà còn cho đấng sinh thành. Ngày rằm còn là lễ xá tội vong nhân, nên cúng đồ chay sẽ đem lại sự thanh tịnh và nhiều điều may mắn, bình an cho gia đình.
Một mâm cỗ chay thông thường sẽ từ 7-12 món. Nguyên liệu cơ bản để nấu các món chay đều là các loại rau, củ, quả.
1. Xôi gấc (phổ biến)
Chuẩn bị nguyên liệu
- Quả gấc 200 gr
- Nếp Bắc 2 bát
- 1 muỗng canh đường
- 50ml nước cốt dừa
- 1/2 muỗng cà phê muối
- 5ml rượu trắng
Cách làm
Bước 1: Sơ chế
– Ngâm nếp qua đêm hoặc ít nhất là 4 tiếng với một ít muối. Bổ đôi quả gấc để lấy thịt gấc.
Bước 2: Làm hỗn hợp xôi
– Dùng tay bóp cho phần thịt gấc bong ra khỏi hạt gấc rồi đem trộn với 1 thìa rượu trắng.
– Lấy phần thịt gấc vừa trộn với rượu để đem trộn tiếp với nếp cùng với một ít muối.
– Trong quá trình đó bạn cho thêm một ít nước cốt dừa vào cho thơm. Xôi có độ béo thế nào tuỳ thuộc lượng nước dừa bạn cho nhiều hay ít
Bước 3: Hấp xôi
– Đem hỗn hợp vừa trộn cho vào xửng hấp, nếu không có xửng hấp, bạn có thể dùng nồi cơm điện và hấp trong vòng 35 – 40 phút.
– Xôi chín, món xôi gấc của bạn coi như hoàn thành. Bạn có thể thêm một lượng đường vừa ăn với mình để xôi có vị ngọt dễ ăn hơn.
2. Củ cải cuộn nấm hấp chay
Chuẩn bị nguyên liệu
- 1 củ cải trắng, 1 củ cà rốt
- 50gr nấm rơm tươi,
- 50gr nấm đông cô tươi
- 1 củ hành tây, hành lá
- 1 miếng tàu hủ trắng, 1 miếng tàu hủ chiên
- Hạt nêm chay, muối, tiêu
Cách làm
Bước 1:
– Củ cải trắng bào lấy phần to nhất cho dễ cuộn, sau đó mang đi hấp khoảng 4 phút cho củ cải chín.
– Nấm rơm, nấm đông cô, cà rốt rửa sạch rồi thái sợi mỏng. Hành tây cắt hạt lựu. Hành lá thái lát.
– Dùng muỗng tán nhuyễn tàu hủ trắng còn tàu hủ chiên thì đem đi cắt hạt lựu
Bước 2:
– Bắt chảo lên bếp và cho một ít dầu vào. Khi dầu sôi, cho hành lá vào phi thơm.
– Xào chín cà rốt, hành tây, tàu hủ và nấm, cho 2 muỗng cà phê hạt nêm chay, 1 chút muối và tiêu sao cho vừa ăn. Đảo nhanh tay trong 30 giây rồi tắt bếp.
– Dùng củ cải cuộn nhân vừa xào. Sau đó, rưới phần dầu hành đã phi thơm lên trên và đem hấp trong khoảng 5 phút
– Sau khi hấp lấy ra là bạn đã có một đĩa củ cải cuộn hấp dẫn. Trang trí thêm ít ngò ghí cho đẹp mắt.
3. Chả giò chay
Chuẩn bị nguyên liệu
– 2 bìa đậu phụ,
– 2 tấm váng đậu (phù chúc)
– Hành tây, cà rốt, su hào, củ đậu (mỗi loại 1 củ),
– Rau mùi, mộc nhĩ, nấm hương (mỗi loại 10 tai), 30 gram miến khô,
– Bánh đa nem, gia vị, hạt tiêu
Cách làm
Bước 1: Đậu phụ rửa sạch và để ráo nước. Ngâm váng đậu và miến trong nước ấm, vớt ra để ráo nước. Thái nhỏ váng đậu, miến cắt thành khúc ngắn.
Bước 2: Hành tây, su hào, cà rốt cạo vỏ, rửa sạch và thái sợi mỏng. Hành tây thái hạt lựu. Rau mùi nhặt, rửa sạch và thái nhỏ. Nấm hương, mộc nhĩ ngâm nước nóng, rửa sạch và thái nhỏ.
Bước 3: Cho tất cả nguyên liệu vào chung một bát lớn, thêm gia vị và hạt tiêu, trộn đều và tán mịn đậu phụ, để 5-7 phút cho ngấm đều gia vị.
Bước 4: Trải bánh đa nem ra đĩa, cho nhân chả giò vào rồi cuộn lại. Cuốn đều tay, cuốn chặt vừa, nếu chặt quá sẽ làm nem bị bục, cuốn lỏng dễ làm vỏ nem bị bung ra.
Bước 5: Cho dầu vào chảo, nhiều dầu, rồi thả nem vào, dầu ngập mặt nem và rán chín vàng rồi vớt ra thấm dầu.
4. Chè khoai bí đỏ
Chuẩn bị nguyên liệu
– 300gr bí đỏ
– 300gr khoai lang
– 60gr đậu xanh 60g,
– 400gr nước cốt dừa
– 2 thìa bột năng
– 120gr đường trắng hoặc đường thốt nốt
Cách làm
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
– Đem đậu ngâm trong nước 3 tiếng cho nở mềm
– Khoai lang gọt vỏ và cắt thành từng miếng nhỏ vừa ăn. Ngâm khoai vào nước trong vòng 15 phút để khoai ra hết nhựa và không bị thâm
– Bí đỏ gọt vỏ và bỏ ruột, rửa sạch rồi cắt nhỏ vừa ăn như miếng khoai
Bước 2: Nấu chè bí đỏ khoai lang
– Cho khoảng 1,5l nước vào nồi. Cho đậu xanh vào ninh nhừ 30 phút để đậu chín mềm.
– Cho tiếp khoai lang và bí đỏ và đường thốt nốt vào nấu cùng. Vì khoai lang và bí đỏ có thời gian chín tương đương nhau nên bạn cho vào cùng.
– Đun nhỏ lửa khoảng 20 phút là chè đã chín mềm, nêm
lại đường cho vừa miệng.
– Sau đó hòa 2 thìa bột năng vào bát nước, khuấy cho bột năng tan ra rồi đổ từ từ vào nồi chè đến khi có độ sánh như ý thì món chè đã hoàn thành và có thể dùng được
– Khi ăn, múc chè khoai lang bí đỏ ra bát, rưới nước cốt dừa lên trên và thưởng thức
5. Chè hạt sen long nhãn
Chuẩn bị nguyên liệu
- 200gr hạt sen tươi
- 70gr long nhãn
- 90gr đường phèn
- 1/2 muỗng cà phê muối
- 50gr bột sắn dây/ bột bắp/ bột năng
Cách làm
Bước 1:
– Hạt sen tươi bỏ tâm sen để không bị đắng. Sau đó cho vào nồi nước, luộc khoảng 5 phút. Vớt hạt sen ra, rửa lại với nước.
– Cho hạt sen vào nồi cùng 500ml nước, nấu chín mềm khoảng 15 phút.
– Long nhãn cắt làm đôi, rửa sạch, để ráo.
– Tiếp theo, cho long nhãn, 90gr đường phèn, 1/2 muỗng cà phê muối vào nồi hạt sen tươi, khuấy đều với lửa vừa đến khi đường phèn tan hết.
Bước 2:
– Hòa tan bột sắn dây( bột bắp/bột năng) với 100ml nước. Khi nước sẵn đã tan hết trong nước, bạn đổ từ từ vào chè, khuấy đều và nấu thêm 2 phút.
– Cuối cùng là tắt bếp, múc chè ra chén, để nguội là có thể thưởng thức ngay.
Như vậy cúng rằm với những món chay đa dạng thế này sẽ giúp cho ngày Vu Lan của các chị em không bị nhàm chán mà còn làm cho mâm cỗ dâng trở nên đầy đủ hơn. Phía trên là các gợi ý cho chị em các món chay ngon và đơn giản để các chị em nội trợ đỡ phải đau đầu về mâm cỗ cúng chay sao cho đầy đủ và bày tỏ trọn vẹn lòng thành kính và hiếu thảo với bậc sinh thành.