Tất niên hay lễ Tất niên, cúng Tất niên là một nghi thức nhằm tạm biệt một năm cũ và chào đón năm mới. Đây có thể là một bữa tiệc gia đình, một buổi liên hoan cuối giữa bạn bè. Thông thường tiệc Tất niên sẽ diễn ra vào ngày cuối cùng của một năm (Tết Tây) hoặc vào 30 tháng Chạp (Tết Âm). Hãy cùng Vạn Sự tìm hiểu về nét độc đáo khi ăn Tất niên 3 miền ở Việt Nam!
Tất niên là gì?
Tất niên là một trong những dịp đặc biệt trong năm, đồng thời là một nét độc đáo trong phong tục Việt Nam. Vào ngày này, người dân sẽ quây quần bên gia đình, bạn bè để cùng tạm biệt năm cũ và chào đón năm mới sắp đến. Thông thường tùy từng vùng miền mà cách chuẩn bị của mỗi gia đình sẽ khác nhau.
Tiệc Tất niên sẽ diễn ra gần khoảnh khắc giao thừa, vì vậy thời gian bắt đầu buổi tiệc cũng vào lúc chiều tối hoặc gần nửa đêm. Lúc này mọi người sẽ quây quần bên nhau, cùng ăn uống, trò chuyện để chờ đón năm mới. Đây vẫn được xem là một trong những nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân Việt Nam đã được lưu giữ qua biết bao thế hệ.
Vì sao chúng ta thường tổ chức tiệc Tất niên vào cuối năm?
Tất niên là dịp thích hợp để mỗi thành viên trong gia đình dành thời gian sum họp bên mâm cơm. Mọi người cùng nhau nhìn về một năm đã qua và hướng tới một năm mới tốt đẹp hơn. Ngoài ra, tùy từng vùng miền mà bạn có thể mời thêm bạn bè hoặc khách đến tham dự bữa tiệc.
Do mang ý nghĩa trong việc thể hiện tình đoàn kết, là thời gian để nghỉ ngơi và quan tâm đến gia đình. Vậy nên việc tổ chức tiệc Tất Niên vào cuối năm sẽ là lúc để mọi người gần nhau hơn sau một năm bận rộn công việc. Đó là lý do ngày càng nhiều gia đình, công ty, bạn bè cùng nhau tổ chức buổi tiệc này.
Phong tục ăn Tất niên của ba miền
Ngoài việc cùng quây quần bên mâm cơm, không thể thiếu nghi thức làm lễ Cúng Tất niên. Tùy theo từng vùng miền mà mâm cúng sẽ được chuẩn bị khác nhau. Nhưng về cơ bản vẫn lưu giữ được trọn vẹn nét đẹp đặc trưng của văn hóa Việt Nam.
Miền Bắc
Đối với người miền Bắc, mâm cúng Tất niên thường phải có đủ 4 bát và 4 đĩa. Trong đó đĩa cúng bao gồm giò, chả quế, thịt gà, thịt lợn và đĩa xôi gấc. Còn trên mỗi bát thì sẽ đặt: chân giò hầm măng, miến dong, canh bóng thả, mọc nấm thả.
Tùy điều kiện mà mỗi gia đình có thể thêm một số món khác nữa, nhưng vẫn cần phải đảm bảo mang đậm hương vị đặc trưng của người miền Bắc.
Miền Trung
Đối với người miền Trung, người dân cũng thường chuẩn bị mâm cúng với những món mang hương vị miền quê. Tùy theo điều kiện và khả năng của mỗi gia đình mà trên mâm sẽ có những món mặn như thịt heo, thịt gà, các món rau, canh,… Bên cạnh đó, một số gia đình cũng sẽ chuẩn bị thêm bát miến Huế, chả Huế,… để mâm Cúng thêm tươm tất và trang trọng.
Sau khi kết thúc nghi thức cúng Tất niên, các thành viên sẽ cùng quây quần bên mâm cơm đã được chuẩn bị từ trước. Mọi người sẽ cùng nhau ăn uống, trò chuyện và chờ đợi ngày cuối năm qua đi và một năm mới sắp tới.
Miền Nam
Về đến miền Nam, người dân thường chuẩn bị lễ cúng với mâm ngũ quả, giấy tiền vàng mã, trầu cau, bánh chưng, trà, rượu, hương hoa, cùng mâm cỗ chay hoặc mặn (tùy mỗi gia đình).
Thông thường cỗ mặn sẽ bao gồm: canh nấu măng (dùng măng tươi), dĩa củ cải ngâm nước mắm, bát canh khổ qua nhồi thịt, thịt kho tàu, đĩa gỏi tôm, đĩa nem, thịt heo luộc, củ kiệu,…
Trên đây là những phong tục chuẩn bị mâm cỗ cúng độc đáo của ba miền vào ngày lễ Tất niên. Qua những nét đẹp văn hóa được Vạn Sự giới thiệu ở trên, bạn đã có thể hiểu hơn về cách chuẩn bị nghi lễ của mỗi vùng miền nước ta. Qua đó chuẩn bị chu đáo và tươm tất hơn mỗi khi ngày Tất niên cận kề.