Rằm tháng 7 có hai mâm cỗ cúng đó là cỗ cúng Vu Lan dành để tạ ơn và bày tỏ lòng thành kính với các bậc sinh thành, cỗ thứ 2 là dùng để cúng chúng sinh, ban phước lành, ban phát thức ăn và xoá tội cho các vong nhân vất va vất vưởng. Vậy mâm cỗ cúng chúng sinh và cúng rằm tháng 7 (Vu Lan) khác nhau như thế nào? Bài viết này của Vạn Sự sẽ cho bạn biết kiến thức và sự khác nhau của 2 mâm cỗ này.
1. Cúng chúng sinh
Lễ cúng chúng sinh hay còn có tên gọi quen thuộc là cúng cô hồn. Phong tục cúng này thực ra có nguồn gốc từ đạo giáo của người Trung Quốc. Họ quan niệm rằng, từ ngày 2 tháng 7 Âm lịch, Diêm Vương sẽ bắt đầu mở Quỷ Môn Quan cho quỷ đói và vong nhân được trở về dương gian. Sau đó cánh cửa sẽ đóng lại đúng vào đêm 14/7 Âm lịch. Vào khoảng thời gian này người dân nên cúng cháo, gạo… để quỷ đói và những vong nhân vất vưỡng không quấy nhiễu cuộc sống của mình và mong cho họ được giảm tội sớm được đầu thai chuyển kiếp.
Khác với người Trung Quốc một chút, người Việt vốn cũng có niềm tin về việc tồn tại linh hồn nên họ giữ tục lệ thờ cúng tổ tiên và người thân đã qua đời. Cúng cô hồn vừa thể hiện sự “cứu giúp” những linh hồn khốn khổ nhưng nó cũng là một hình thức “hối lộ” để khỏi bị các oan hồn quấy phá, hoặc để được họ “hỗ trợ”, điều hối lộ này cũng tương đối giống với người Trung Quốc.
2. Cúng Vu Lan
Lễ Vu Lan vốn là một phong tục đẹp trong văn hóa Phật giáo. Theo ông bà ta kể lại, lễ này bắt nguồn từ sự tích về lòng hiếu thảo của bồ tát Mục Kiều Liên. Lúc còn sống, mẹ của ông làm nhiều điều ác, thậm chí xúc phạm chư Tăng nên khi mất bị đày xuống địa ngục làm con ngạ quỷ. Thương xót mẹ nhưng không có cách nào cứu được, ông đã được đức Phật chỉ cách phải cúng chư Tăng vào dịp Rằm tháng 7. Ngoài ra còn phải nhờ phước lực của mười phương chư Tăng mới cứu được mẹ thoát khỏi những khổ đau nơi địa ngục.
Nghe theo lời Phật, cuối cùng mẹ của bồ tát Mục Kiều Liên cũng được giải thoát khỏi kiếp ngạ quỷ. Đức Phật cũng dạy rằng, ai muốn báo hiếu cha mẹ thì vào rằm tháng 7 hãy làm theo cách này. Cũng kể từ đó, ngày lễ Vu Lan báo hiếu ra đời.
3. Mâm cỗ cúng chúng sinh khác mâm cỗ cúng Vu Lan như thế nào
Rằm tháng 7 âm lịch được gọi là lễ Vu Lan nhằm báo hiếu ông bà tổ tiên, tưởng nhớ đến người thân đã khuất. Bên cạnh đó, ngày Rằm tháng 7 cũng trùng với lễ cúng cô hồn (cúng chúng sinh) hay còn được gọi là xá tội vong nhân. Chính vì có sự trùng nhau về thời gian nên đã có nhiều người nhầm lẫn hai lễ này là một. Nhưng thật ra là khác nhau về cả ý nghĩa lẫn cách thức và thức ăn cúng.
Bởi vì rõ ràng, cúng Vu Lan là dịp để báo hiếu tổ tiên, cha mẹ, còn cúng cô hồn là để bố thí, làm phúc cho những vong hồn lang thang, không có ai thờ cúng.
3.1. Mâm cỗ Vu Lan
Để cúng Vu Lan, mâm cỗ bạn có thể chuẩn các món mặn hoặc thuần chay tùy theo điều kiện của mỗi gia đình. Nhưng theo quan niệm và truyền thống của người Việt, cúng Vu Lan với mâm cỗ chay sẽ tốt hơn. Mâm cỗ không cần linh đình, nhiều món, chỉ cần phù hợp với điều kiện gia chủ và được thực hiện một cách thành tâm, trang nghiêm.
Nếu là mâm cúng mặn sẽ bao gồm các món ăn truyền thống của người Việt như bánh chưng, giò, chả, nem rán, món xào, canh, xôi…Còn nếu là đồ chay thì bao gồm 5-7 món như nem chay rán, xôi đỗ (xôi dừa, xôi ngô), một món xào chay, một món canh chay, giò chay và rau củ luộc…chung quy là các loại đậu và rau củ hoặc các món mà gia chủ thích.
Nếu cúng chay tại nhà thì mâm cỗ lại càng đơn giản hơn như hương, hoa, oản đường, xôi trắng hoặc xôi chè hoặc bánh trôi bánh chay, các loại quả (từ 3-5 loại). Các loại hoa thường dùng để cúng Vu lan như hoa hồng, hoa huệ, hoa sen hay mẫu đơn… Thông thường làm mâm cỗ chay với mục đích cho con cháu sau này của gia chủ hưởng lộc.
Cúng Vu Lan là ngày con cái tưởng nhớ tới công lao sinh thành của cha mẹ. Tưởng nhớ không phải ở chỗ mâm cao, cỗ đầy, mà ở thái độ và lương tâm và lòng hiếu thảo, thành kính của mỗi con người.
Vào ngày này, mỗi gia đình nên lên chùa làm lễ Vu Lan, cầu siêu tỏ lòng báo hiếu với ông bà tổ tiên. Sau đó, nên làm một mâm cơm thắp hương lên bàn thờ phật và bàn thờ gia tiên.
3.2. Mâm cỗ cúng chúng sinh
Trong mùa lễ Vu lan có thể cúng theo trình tự như sau: Cúng gia tiên, trời Phật vào ban ngày, sau đó làm lễ phóng sinh. Tiếp theo là cúng chúng sinh cho các vong hồn lang thang, đói khát vào buổi chiều tối, chỉ cần trước ngày 15 tháng 7 âm lịch là được. Bởi vì, người ta quan niệm, đây là thời gian những vong linh trên đường trở về địa ngục nên cũng là lúc cúng cô hồn chuẩn nhất. Mọi việc cúng phải được hoàn tất trước chính Rằm.
Có thể nói, phong tục cúng lễ cô hồn mỗi vùng miền là khác nhau nên mâm cỗ cúng cô hồn, vong nhân cũng khác biệt đôi chút. Theo lời khuyên của người xưa, chỉ nên cúng cô hồn bằng các món ăn chay, không cúng đồ mặn vì sẽ khơi dậy tham, sân, si cho vong nhân. Nhưng với điều kiện ngày này thì nhiều người cho rằng cúng chay hay mặn đều được. Về cơ bản, mâm cúng cô hồn nên chuẩn bị những lễ vật như sau:
- Hoa quả (chọn 5 loại quả tươi, sạch)
- Tiền vàng mã (tiền vàng 15 bộ, quần áo bằng giấy 20 bộ, các đồ dùng mã).
- Muối hột
- Một ít gạo
- Hương thắp (nhang).
- Trầu cau (lá trầu và quả cau phải đẹp, không được sứt mẻ hoặc bị rách).
- Bánh kẹo các loại.
- Nước (nước lọc sạch).
- Nấu bát canh khoai tây với xương.
- Cơm và 1 quả trứng luộc.
- Bỏng ngô, bỏng gạo,…
- Mía chặt thành khúc.
- Khoai lang (khô, sắn luộc).
- Hoa cúc.
3.3 Điểm khác nhau rõ rệt giữa mâm cỗ cúng Vu Lan và cúng chúng sinh
- Thứ nhất, mâm cúng Vu lan kiêng không để tiền mặt hoặc tiền vàng cùng với lễ vật nhưng mâm cúng chúng sinh được rải rất nhiều tiền vàng với ý nghĩa đốt tiền cho các vong hồn lấy cái tiêu xài với ý nghĩa ban phước.
- Thứ hai, điều khác biệt rõ rệt nhất ở đây là mâm cúng Vu lan chỉ dâng lên bàn thờ thắp hương gia tiên tại nhà hoặc nếu tại chùa thì dâng lên bàn thờ Phật. Trong khi mâm cúng chúng sinh được bày biện ngoài trời, ngoài cổng ngoài sân, thắp nến và nhang đặt bên trong mâm cúng để cho các vong nhân vất vưởng ngoài đường hưởng được vì theo dân gian, người âm không thể đặt chân vào ranh giới nhà địa chủ vì có ông bà hoặc thổ địa đứng canh.
Chính vì có sự trùng nhau về thời gian nên đã có nhiều người nhầm lẫn cúng lễ Vu Lan và cúng chúng sinh là một. Thế nhưng, chúng ta cần nhớ rằng, lễ Vu Lan và lễ cúng chúng sinh là hai lễ cúng hoàn toàn khác nhau với những lễ vật và mâm cỗ khác nhau. Bài viết này đã cho bạn thêm kiến thức về sự khác biệt giữa hai mâm cỗ, để cúng rằm tháng 7 sắp tới không bị nhầm lẫn về cách cúng cũng như các lễ vật có trong từng mâm cỗ bạn nhé!